
Nhằm giúp đỡ người dân cải thiện đời sống, những năm qua, UBND xã Tư Nghĩa (huyện Cát Tiên) đã vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng đa cây, đa con, đặc biệt là các loại cây có múi, mang lại giá trị kinh tế cao.
Nhằm giúp đỡ người dân cải thiện đời sống, những năm qua, UBND xã Tư Nghĩa (huyện Cát Tiên) đã vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng đa cây, đa con, đặc biệt là các loại cây có múi, mang lại giá trị kinh tế cao.
 |
Sau khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng, 2 ha vườn quýt của anh Vũ Minh Chung đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: T.T.Hiền |
Xã Tư Nghĩa có diện tích đất sản xuất nông nghiệp gần 1.500 ha và phần lớn diện tích này được người dân chủ yếu trồng lúa, bắp, các loại cây ngắn ngày và cây lâu năm, do vậy đời sống của bà con còn gặp nhiều khó khăn.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thầm - Phó Chủ tịch UBND xã Tư Nghĩa cho hay: Xã Tư Nghĩa trước nay là xã thuần nông, đã thế việc đổi mới cách thức sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của người dân diễn ra rất chậm nên năng suất, chất lượng sản phẩm không cao, ít có các loại cây được sản xuất mang tính hàng hóa có giá trị. Trong khi, tiềm năng đất đai của xã còn nhiều nhưng lại chưa thể khai thác hiệu quả, vì thế đời sống của người dân cứ quẩn quanh mãi trong cái khó, cái nghèo, kinh tế không phát triển.
Đầu năm 2017, UBND xã đã vận động bà con từng bước chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, nhất là cây ăn quả, cây có múi. Trong đó, loại cây được ưu chuộng và thích hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, mang lại giá trị kinh tế nhất vẫn là cây quýt.
“Cũng nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng nên nhiều hộ dân ở xã hiện nay đã thoát nghèo, từng bước vươn lên làm giàu. Hiện nay, toàn xã có 420 hộ, trong đó có hơn 150 hộ đã chuyển đổi và trồng thêm cây ăn trái. So với các năm, số hộ nghèo giảm xuống rõ rệt, nay chỉ còn 15 hộ. Cũng từ đây, người dân đã dần yên tâm để phát triển kinh tế”, ông Thầm cho biết thêm.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, lãnh đạo địa phương thời gian qua đã thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, đẩy mạnh các nguồn vốn hỗ trợ và thực hiện tốt lồng ghép các chương trình, nguồn vốn đầu tư sản xuất, giúp nhau làm kinh tế và ổn định cuộc sống.
Là một trong những người đi đầu trong chuyển đổi cây trồng, ngoài trồng lúa truyền thống, vợ chồng anh Vũ Minh Chung (thôn Nghĩa Thủy) đã trồng gần 2 ha quýt đường, cho thu nhập hàng tháng 15 triệu/tháng.
Dẫn chúng tôi vào thăm vườn quýt, anh kể: “3 năm trở lại đây, đa số người dân trong xã đã chủ động chuyển đổi cây trồng. So với trước đây, cứ làm hoài làm mãi mà chẳng có của ăn của để nên hai vợ chồng bàn nhau thuê đất, chuyển sang trồng cây ăn trái thích hợp với đất đai và khí hậu xem có ổn hơn không. Sau một thời gian tìm hiểu và được UBND xã hướng dẫn, vợ chồng tôi đã cải tạo và bắt đầu trồng quýt đường từ năm 2017”.
Tương tự, anh Nguyễn Văn Xuân (thôn Liên Nghĩa) với hơn 1 ha diện tích của gia đình, thay vì trồng những cây lâu năm như: điều, cao su,… anh chuyển sang trồng bưởi và quýt để tăng thu nhập. “Lâu nay cứ trồng ít lúa rồi ít cà phê nên thời gian rảnh nhiều nhưng thu nhập chả được bao nhiêu. Tận dụng diện tích đất đang có, hai vợ chồng đánh liều vay vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân của xã và vay mượn của anh em để trồng quýt và bưởi, giờ đây thu nhập bình quân cũng đạt 20-25 triệu đồng/tháng (tùy theo thời giá thị trường)”.
Theo số liệu thống kê từ UBND xã Tư Nghĩa, năm 2019, cây ăn quả chiếm 38,9 ha, trong đó bưởi 3,3 ha, quýt 14 ha, mít 1,3 ha, sầu riêng 7 ha, diện tích còn lại trồng các loại cây khác khoảng 13,3 ha.
Hiện tại, năng suất cây ăn quả đạt 71 tạ/ha với tổng sản lượng gần 95 tấn/năm.
Như vậy, vấn đề mở rộng sản xuất theo hướng hàng hóa, đa cây đa con, bên cạnh trồng lúa nước chất lượng cao, thì chuyển đổi cơ cấu cây trồng sẽ là một bước chuyển biến mới trong việc phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của bà con nông dân xã Tư Nghĩa trong thời gian qua thấy rõ.
THÂN THU HIỀN